1/17/2016

Khẩu Độ - Tốc Độ - ISO Máy Ảnh DSLR

Trong nhiếp ảnh, nhất là đối với những người mới làm quen với máy ảnh ống kính rời gương phản xạ KTS (Digital SLR), ba yếu tố cơ bản tạo ra giá trị phơi sáng của một bức ảnh cần được nhắc đi nhắc lại, nghe đi nghe lại đến khi nào không cần nghĩ đến chúng nữa mới thôi, đến khi nào nghe lại mà không thấy chán mặc dù có thể đã thuộc lòng đến không cần nghe thêm một từ nào nữa.

Một bức ảnh được tạo ra bởi việc cho phơi sáng (expose) bản phim hay cảm biến ra ngoài ánh sáng (có hình ảnh muốn chụp) – vậy mới gọi là phơi sáng. Mỗi lần phơi sáng có một giá trị ánh sáng duy nhất, được gọi là giá trị phơi sáng, trong tiếng Anh gọi là EV (exposure value). EV là giá trị phơi sáng của một bức ảnh – hay của một lần bấm máy. Mỗi bức ảnh chỉ có một giá trị phơi sáng duy nhất, được tạo ra bởi 3 yếu tố: Khẩu độ mở, Tốc độ cửa chập và Độ nhạy ISO.

1. Khẩu Độ - Aperture
Là độ mở to nhỏ của lỗ điều tiết ảnh sáng nằm trong ống kính máy ảnh:

Lỗ mở càng to thì ánh sáng lọt vào càng nhiều, và ngược lại, lỗ mở càng nhỏ thì ánh sáng lọt vào càng ít. Khả năng có thể mở to đến đâu của cái lỗ này phụ thuộc vào từng ống kính nhất định. Ống kính càng mở được to thì càng đắt tiền, và càng tạo cho nhiếp ảnh gia khả năng hoạt động linh hoạt hơn trong sáng tạo.


Để tính độ mở của lỗ điều tiết ánh sáng này (gọi là Aperture trong tiếng Anh, và viết tắt là A), người ta dùng đơn vị gọi là f/stop – hay trong tiếng Việt gọi là “khẩu” cho nó ngắn gọn. Giá trị f/stop càng nhỏ (ví dụ f/1) thì lỗ mở càng lớn; Ngược lại, giá trị f càng lớn, thì lỗ khép lại càng nhỏ (ví dụ f/22). 

Các khẩu độ mở truyền thống của ống kính gồm (từ mở khẩu lớn tới nhỏ dần): f/1.4 – f/2 – f/2.8 – f/4 – f/5.6 – f/8 – f/11 – f/16 – f/22 – f32.


Khi bạn chụp ảnh với khẩu độ được mở hết, nền sau bị nhòe đáng kể (f/1.8, 1/1000 giây)


Với khẩu độ nhỏ, trường ảnh sâu, kết quả sẽ là ảnh sắc nét cả ở nền trước lẫn nền sau. (f/11, 1/320 giây)

2. Tốc Độ - Shutter
Là tốc độ đóng mở của tấm chắn sáng giữa lỗ điều tiết ánh sáng trong ống kính và bản phim hay cảm biến ảnh số.


Ngoài việc điều tiết ánh sáng bằng khẩu độ mở, máy ảnh SLR/DSLR còn có một tấm chắn giữa ống kính và bản phim/ cảm biến ảnh số để ngăn ánh sáng. Tấm chắn này được gọi là cửa chập (hay shutter trong tiếng Anh) có tác dụng mở ra rồi đóng vào như cũ để khống chế thời gian phơi sáng của phim hay cảm biến số.

Khi nhiếp ảnh gia bấm chụp một kiểu ảnh, tấm chắn sáng này – tức cửa chập – mở ra (rất nhanh) rồi lại đóng ngay lại (cũng rất nhanh), vì vậy chỉ cho phép phim hay cảm biến số tiếp xúc với ánh sáng trong một khoảnh khắc cực ngắn. Thời gian ngắn ngủi này được gọi là thời gian phơi sáng (tiếp xúc với ánh sáng) của một bức ảnh.

Các giá trị tốc độ cửa chập thường thấy (được tính bằng giây và phần của giây – tiếng Anh giây là second và viết tắt là s): 1s, 1/2s, 1/4s, 1/8s, 1/15s, 1/30s, 1/60s, 1/125s, 1/250s, 1/500s, 1/1000s, v.v… Ở đây có thể dễ dàng nhận thấy các mốc tính được cách nhau một khoảng (xấp xỉ) gấp đôi, hoặc chia đôi.

Ngoài tác dụng điều tiết lượng ánh sáng để tạo phơi sáng phù hợp cho bức ảnh, tốc độ cửa chập còn là công cụ để tạo ra các hiệu ứng về mặt thời gian cho bức ảnh. Nếu muốn “bắt chết” một khoảnh khắc của một chủ thể đang chuyển động, một giá trị tốc độ của chập cao sẽ giúp nhiếp ảnh gia làm được điều này vì trong khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi của chập mở ra rồi đóng ngay lại với tốc độ hết sức cao/nhanh (ví dụ 1/1250s), sự di chuyển của chủ thể sẽ là không đáng kể và hình ảnh sẽ được “dừng lại” trong khuôn hình của nhiếp ảnh gia. 


     1/400s (thấy rõ chi tiết dòng nước)                                         1/'5s (tốc độ chậm nên chi tiết dòng                                                                                                        nước bị mất, thay vào đó dòng chảy sẽ                                                                                                                         "mượt mà" hơn)


3. Độ Nhạy Sáng - ISO
Là độ nhạy bắt ánh sáng của bản phim hay cảm biến ảnh số

Độ nhạy bắt sáng của bản phim hay cảm biến ảnh số có khả năng giúp nhiếp ảnh gia điều tiết phơi sáng của một bức ảnh. Độ nhạy này được tính bằng giá trị ISO (trước đây là ASA hoặc DIN đều cùng như nhau). ISO càng cao thì độ nhạy (khả năng bắt sáng nhanh) càng cao, giúp cho việc tăng tốc độ cửa chập lên cao (tức giảm thời gian phơi sáng) với giá trị lớn hơn, giúp cho việc chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu hiệu quả hơn.

Các giá trị ISO thường được sử dụng là: ISO 100, ISO 200, ISO 400, ISO 800, ISO 1600, ISO 3200, ISO 6400,

Một điều lưu ý duy nhất khi điều chỉnh ánh sáng cho ảnh dựa vào ISO là: Do công nghệ chế tạo, ISO càng lớn có ưu điểm bắt sáng càng nhạy nhưng lại gây ra càng nhiều nhiễu (noise) cho hình ảnh ghi nhận, cả ở phim và cảm biến ảnh số.


(1/800s, f/4)/ ISO 6400
Trong ví dụ này, chuyển động của diễn viên bị ‘đóng băng’ bằng cách sử dụng tốc độ cửa trập cao. Đèn flash không được sử dụng để tránh làm ảnh hưởng không khí của ảnh có được. Đây là một cảnh thiếu sáng điển hình có thể chụp bằng độ nhạy sáng ISO cao.



(1/25 giây, f/25)/ ISO 100
Trong ví dụ này, độ nhạy sáng ISO thấp, và khẩu nhỏ, để có được tốc độ thấp. Làm như thế sẽ làm nhòe ánh sáng của đèn pha và đèn đuôi, tạo thành các đường.



(Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn)

0 comments: